Ok Om Bok (Đút Cốm dẹp) - Lễ Cúng Trăng
Hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng 10 âm lịch (ngày 15 tháng Ka-đất lịch Khmer), khắp các phum sóc, người Khmer sinh sống nô nức tổ chức lễ hội cúng Trăng, nhằm tưởng nhớ và tạ ơn Mặt Trăng. Mặt Trăng vốn được xem như một vị thần giúp nông dân trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại mùa màng tốt tươi và sự ấm no. Nghi thức đặc biệt trong lễ này là đút cốm dẹp, cho nên người ta còn gọi là lễ Ok Om Bok tức đút cốm dẹp. Vật cúng không thể thiếu trong lễ là cốm dẹp, chuối chín, dừa, khoai lang, khoai mì, khoai môn và một số loại trái cây khác.
Đối với người Khmer Trà Vinh.
Đối với người Khmer Trà Vinh.
Người Khmer Trà Vinh thực hiện nghi thức
cúng Trăng ở khoảng sân rộng thoáng đãng trước nhà nào đó trong phum sóc hoặc
tại chùa, miễn sao nhìn rõ được mặt trăng.
Buổi chiều hôm đó, nhân dân chuẩn bị các loại vật cúng, các trai tráng trong phum
sóc chọn hai thân tre thật thẳng trồng đứng song song và cách nhau khoảng 4 –
5m. Giữa hai thân tre buộc cố định một thân tre nằm ngang thành hình chiếc cổng
có trang trí hoa lá. Dưới chiếc cổng có đặt cái bàn bày các đồ vật cúng, bao gồm
cốm dẹp trộn dừa, đường cát cùng các loại lương thực mới thu hoạch như: chuối,
khoai lang, dừa, khoai môn, củ lung, mía,…Đặc biệt cốm dẹp, nhang đèn, bó hoa
tươi, và nước hương thì không thể thiếu. Tất cả các lễ vật được sắp xếp trang
trọng, đẹp mắt. Khi lễ vật bày biện xong, đến chập tối, vị Achar hoặc người lớn
tuổi nhất trong gia đình, dòng họ kêu gọi con cháu cùng nhau ngồi trên chiếc
chiếu trãi dưới đất bên cạnh bàn cúng, chắp tay quay mặt về hướng mặt trăng để
làm lễ. Vị Acha đóng vai trò chủ tế, cùng các vị cao niên trong phum sóc thắp
nhang kính cẩn dâng lên thần Mặt trăng cùng mẹ Đất, mẹ Nước những món đầu mùa
mà bà con trong phum sóc vừa thu hoạch xong, thể hiện lòng biết ơn của mình. Vị
chủ tế cũng thay mặt bà con trong phum sóc tạ lỗi với các vị thần, vì trong năm
qua con người vì manh áo, chén cơm đã giẫm đạp, cày xới, kể cả phóng uế làm đau
đớn thần nước thần đất, mong thần tha thứ
tội lỗi; đồng thời cầu mong các vị thần hãy chứng giám lòng thành của mọi người
mà phò hộ cho năm tới mưa thuận, gió hòa, mùa vụ bội thu, cây trái tươi tốt, vạn
vật sinh sôi nảy nở, con người no đủ lâu dài. Đồng thời hướng dẫn các con cháu
kính lạy thần Mặt Trăng trên tay mỗi người cầm một cây SaLaTho (là 2 lá trầu được
cuốn lại và ghim bằng một cây nhang).
Sau đó tiến hành lễ Ok Om Bok (Đút cốm dẹp).
Các vị cao niên bẻ một trái chuối và một nắm cốm dẹp. Đầu tiên, bẻ nữa trái
chuối đúc vào miệng trẻ và đúc một nắm nhỏ cốm dẹp rồi hỏi “Con ước muốn điều
gì?” và sau khi trẻ ú ớ trả lời xong thì người hỏi đấm nhẹ vào lưng trẻ ba lần
và nói rằng “Con sẽ được như ý nguyện”. Thường thì những đứa trẻ ngây thơ trả lời
một cách hồn nhiên có nhiều vàng bạc, đứa thì muốn ruộng đất, đứa thì học giỏi,
nhà đẹp,…Những câu trả lời của các em sẽ là niềm tin của người lớn vào kết quả
tốt đẹp trong năm tới.
Tiếp theo, trai tráng trong phum sóc đốt
những đèn gió thả bay lên trời. Những ngọn đèn bay lên mang theo lòng thành, lòng
biết ơn của con người đối với thần Mặt Trăng cao cả, rồi mọi người cũng ăn uống
vui vẻ, ngắm đèn, ngắm Trăng. Thường thì được tổ chức ở chùa.
Ngoài mục đích và ý nghĩa nêu trên, theo
truyền thuyết gắn với Phật giáo, đồng bào Khmer cúng trăng cũng để tưởng nhớ đến
Thỏ - một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca.
Ok Om Bok ở Trà Vinh.
Ở Trà Vinh, ngoài việc cúng trăng tại các
chùa, các gia đình từng phum sóc, thì Ao Bà Om là nơi diễn ra lễ hội của cộng đồng
người Khmer Trà Vinh. Từ ngày 14 tháng 10 âm lịch nhiều bà con từ các huyện
trong tỉnh và các tỉnh lân cận, kể cả người Việt, người Hoa đã đổ về tham dự
ngày hội lớn. Ngày này, mọi người tập trung hai bên bờ sông Long Bình để xem
đua ghe ngo.
Sáng
ngày 15 tháng 10, mọi người kéo về Ao Bà Om đểtham dự các trò chơi dân gian
như: kéo co, đập nồi, đẩy gậy, nhảy bao,…thi đấu bong chuyền, tham qua hội trợ
trưng bày, tham quan Bảo tang Văn hóa dân tộc Khmer. Tối đến, mọi người xem biểu
diễn trang phục, xem văn nghệ DùKê,…Đặc biệt, sau khi chứng kiến lễ Ok Om Bok, mọi người được dự
cuộc diễu hành hoành tráng của các đoàn diễu hành của các chùa vòng quanh Ao Bà
Om, rồi xem thi thả đèn gió, ngắm đèn nước trong đêm trăng rằm lung linh huyền ảo.
Trong bài viết có tham khảo và sử dụng tài liệu:
1. Báo cáo kết quả điều tra di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh - Bảo tàng Tổng hợp -12/2007.
2. Phong tục, tín ngưỡng, lễ hội Khmer Nam bộ - Thạch Om - 2009
1. Báo cáo kết quả điều tra di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh - Bảo tàng Tổng hợp -12/2007.
2. Phong tục, tín ngưỡng, lễ hội Khmer Nam bộ - Thạch Om - 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét