+»(¯`v´¯)»+ Welcome to nguoikhmertravinh.blogspot.com +»(¯`v´¯)»+ ជនជាតិខ្មែរព្រះត្រពាំង

9/5/13

Múa trống Chhay Dam - nét đặc trưng trong văn hóa nghệ thuận Khmer Nam bộ


       Dân tộc Khmer Nam bộ vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước nên đời sống của họ luôn gắn với ruộng đồng, trồng trọt do điều kiện sống như vậy đã hình thành cho họ một thói quen sinh hoạt theo mùa, vào những vụ mùa thì họ tập trung vào làm ruộng đồng nhưng sau những đợt thu hoạch thì cũng chính là lúc nghỉ ngơi, giải trí của họ và cũng chính vì vậy đã tạo nên một phong tục đặc trưng của họ. Thể hiện rỏ nhất là ở chỗ tại sao người Khmer không tổ chức lễ Chôl chnăm thmây (vào năm mới) vào tháng giêng mà lại tổ chức vào tháng tư, vì lúc này là thời gian nhàn rỗi sau những tháng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Song cũng chính từ sự vất vả, mệt nhọc đó đã làm cho họ tìm đến những món ăn tinh như: ca hát, nhảy múa, chơi trò chơi dân gian và đây cũng là dịp để họ sum họp, đoàn kết nhau lại. Từ đó nghệ thuật diễn xướng và nghệ thuật sân khấu ra đời và tồn tại đến bây giờ và mai sau.
     Dân tộc Khmer cho rằng; cuộc sống của họ là phải gắn với ngôi chùa, gắn với lễ hội, với ca múa và điều đó ta có thể dễ dàng nhận thấy trong bất kỳ một tiệc vui nào của người Khmer cũng điều có sự tham gia múa hát, chương trình diễn xướng của cả diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và của cả cộng đồng người yêu văn nghệ. Múa trống chhay-dam là điệu múa dân gian truyền thống của dân tộc Khmer, mang đậm nét độc đáo được biểu diễn bởi các nghệ nhân bán chuyên nghiệp, thường diễn ra trong các dịp lễ, tết, trong bất cứ sinh hoạt nào, từ các buổi sinh hoạt vui chơi tập thể đến múa trong các đám phước, đám dâng y cathina, lễ kết giới "xây-ma" và cả trên sân khấu Rôbăm, Dù kê.     
     Múa trống chhay-dam là sự kết hợp hài hòa giữa các diễn viên múa và đạo cụ múa, tạo nên một bầu không khí rộn ràng, vui nhộn trong buổi lễ. Khi biểu diễn các diễn viên múa đứng thành hàng ngang hay thành hai hàng dọc và cũng đứng thành hình vòng cung, dùng bàn tay vỗ nhịp nhàng, bài bản vào mặt trống. Trống chhay dam có hình dáng đặc trưng trông khá đệp mắt, được làm bằng gỗ, có bồng hình tròn có đường kính khoảng 30cm có bịt da (có thể là da trâu, da bò, da trăn khô), phần đầu phình to phần đuôi nhỏ dần và đến chóp đuôi lại phình ra như dạng hoa nở không bịt da, chiều dày hơn một mét, được trang trí thêm bằng cách điêu khắc lên thành trống các họa tiết, hoa văn hay là hình cánh sen nở và những mãnh vải xanh đỏ bao quanh, trống có dây đeo ở cổ. Đội trống chhay-dam có hai loại đội; đội lớn có bảy trống và bảy diễn viên đánh trống, còn đội nhỏ có năm trống thì có năm người, ngoài ra còn có thêm một đội đi kèm theo vừa diễn hài, vừa phụ họa gồm có: một người đánh chũm chọe (hay chặp chả) người Khmer gọi là “chhap” được làm bằng kim loại khi diễn thì người diễn viên gõ vào nhau theo điệu. Một người đánh cồng nhỏ người Khmer gọi là “ Kồn mồn” được làm bằng kim loại đồng, hình tròn có đường kính khoảng 15cm, ở giữa có điểm mô lên cao và có một sợi dây để sách, khi diễn diễn viên dùng dùi gõ vào điểm mô cao theo điệu múa. Một người gõ “kráp” được làm từ lõi cây thành 2 thanh bằng nhau ngang khoảng 5cm, dài 17cm, dày 2cm. Khi diễn người ta cầm mỗi tay một thanh và gõ vào nhau theo điệu đang biểu diễn. Ngoài ra còn có hai diễn viên múa khỉ đối với hai diễn viên này thì phải đeo thêm mặt nạ khỉ. Trang phục của các diễn viên múa trống chhay-dam là kiểu trang phục truyền thống của dân tộc, quần vắt cài phía sau lưng, người Khmer gọi là “sam pốt chon k’bình”, mặt áo tay ngắn cổ tròn. Quần dài trên mắt cá, thắt lưng là miếng vải màu cột chéo qua bên phải, trên đầu các diễn viên múa có đeo băng là một miếng vải màu, cột chéo sang bên trái.
      Múa chhay-dam không sử dụng lời ca, tiếng hát ngọt ngào như trong tuồng hát Dù kê, Rô băm, mà chỉ có tiếng la hét làm náo động cả không gian và những điệu múa tinh nghịch theo nhịp trống, cồng, chũm chọe tạo nên một bầu không khí sôi nổi, vui tươi, phấn khởi. Múa trống Chhay-dam diễn ra trong mỗi buổi lễ khác nhau thì cấu trúc điệu múa trống cũng có bè khác nhau. Trong các buổi lễ đội múa trống chhay-dam đóng vai trò chào đón khách như trong lễ kết giới "xây-ma", đám dâng "y cathina",.. thì được sắp xếp theo hai hàng dọc, phía trước là hai diễn viên đóng vai khỉ đi trước và đoàn đánh trống chhay dam đi theo đưa đoàn khách, tạo nên một bầu không khí long trọng cho buổi lễ. Cấu trúc điệu múa trống chhay-dam khác như là: tập thể đứng theo đội hình vòng cung hoặc thẳng hàng, vỗ trống cầm nhịp cho múa. Những người múa đơn trổ tài ở giữa đám đông hoặc trên cả sân khấu, hoặc hai người múa trống với hai người múa chọc ghẹo nhau. Mở màn với đội hình vòng cung, trống chhay-dam hòa cùng với tiếng chũm chọe và kồn mồn đồng loạt nổi lên làm khuấy động bầu không khí của buổi lễ. Sau đó, các tay trống vỗ vào mặt trống cầm nhịp cho người cầm chũm chọe bước ra múa với động tác chân đi khuyu thấp, hai tay đưa ra chếch, chéo trước sau, gập khủy tay nhưng vẫn đánh được chũm chọe, đầu thì lắc nhẹ theo nhịp chân, thể hiện sự hưng phấn tinh nghịch, kế tiếp là người đánh kồn mồn bước ra múa đôi với người đánh chũm chọe, với động tác “chân đi vẫy gọi”, đầu ngã nghiêng theo, hai tay chếch, chéo trước sau nhưng tiếng cồng vẫn nghe “mong” “ mong”, đầu lắc đều theo nhịp trống. Vụt một cái người cầm chũm chọe hô to “Dặc ô!” “Dặc ô!” thì các diễn viên cùng lúc đó tiếng trống, cồng, chũm chọe đồng loạt đánh liên hồi cùng với tiếng hô to “Dặc ô! Dặc ô!” lúc bấy giờ các diễn viên đánh trống mới bắt đầu bước ra biểu diễn, với chiếc trống đeo ở cổ, từ những động tác đánh trống đơn giản như vỗ bàn tay vào mặt trống, đến các kỹ thuật phức tạp hơn như đánh trống bằng cùi chỏ, rồi bằng một bàn tay, còn cánh tay còn lại múa, rồi cả hai bàn tay đan chéo nhau, rồi bằng nắm tay, bằng gót chân, khi nâng cao lúc hạ xuống thấp, hết quay rồi lại nhảy, có khi xoạt rộng hai chân trên sàn, đầu ngước lên hai tay vẫn múa, rồi từ từ dựng trống lên, một chân giơ cao, để trống lên mu bàn chân, hai tay vẫn múa không khác gì một tiết mục xiếc đẹp mắt. Thoắt một cái, những người đánh trống đứng thẳng lên, vẫn giữ đều ăn ý với múa, tiếng trống, cồng và chụm chọe, tất cả cùng nhau hô to “ Ê! Ê! Ê! Rồi cùng hét “ Ê na vơi! Ê nês tê! Ê na vơi! Ê nês tê! Luooch mơ kuôn kê, kê mean ph’đây hơi! Ê! Ê! Ê! dịch sang tiếng Việt là: Ở đâu vậy! Ở đây nè! Trộm nhìn con gái người ta, có chồng rồi! Êh, Êh, Êh!. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét