+»(¯`v´¯)»+ Welcome to nguoikhmertravinh.blogspot.com +»(¯`v´¯)»+ ជនជាតិខ្មែរព្រះត្រពាំង

6/2/13

Plêng Pưn Piết - Ngũ Âm của dân tộc Khmer Nam bộ


Trong đời sống xã hội của dân tộc Khmer Nam bộ chủ yếu là sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước, ngày ngày làm việc ngoài đồng, mệt mỏi, gian nan vất vả và chính điều kiện sống của con người cần phải hồi phục   sức khỏe để chuẩn bị cho ngày lao động mới nên người Khmer tìm đến giải trí, để quên đi những mệt mỏi, để hướng con người đến sự lạc quan yêu đời, yêu lao động hơn. Chính vì thế mà nhu cầu món ăn tinh thần là rất quan trọng. Ngày xưa, sau khi thu hoạch vụ mùa xong đồng bào Khmer thường tổ chức lễ hội, vui chơi giải trí trong ngôi chùa hay trong phum sróc để thỏa mãn món ăn tinh thần của mình và dàn nhạc ngũ âm hay còn gọi là “ Plêng Pưn Piết” đã đáp ứng được nhu cầu đó của họ. Khi đó nhạc ngũ âm chỉ phục vụ cho các tầng lớp quí tộc, các vua, quan trong hoàng cung nhưng ngày nay nhạc ngũ âm phục vụ trong những ngày lễ quan trọng của người Khmer, trong ngày cưới, ngày lễ tết của đồng bào dân tộc Khmer trong năm như: lễ phật Đản, tết Chôl ChnamThmây, lễ hội Ok Om Bok  (lễ cúng trăng), lễ Kathina (lễ Dâng Y), lễ hội Kom sanl sróc (lễ cầu an sau khi thu hoạch lúa mùa), lễ Sen Đônl Ta và cả trong tang ma người Khmer.
Sau đây tôi xin giới thiệu về dàn nhạc Ngũ âm.
Nhạc ngũ âm hay được người Khmer gọi với tên plêng Pưn Piết là một bộ nhạc cụ của dân tộc Khmer có từ rất xa xưa được thiết kế rất đẹp, rất tinh sảo bởi các nghệ nhân người Khmer và được làm từ một loại cây đặc biệt có sẵn ở trong phum sróc như: cây thốt nốt (làm thân trống), cây tre, gỗ quí (làm đàn) và từ kim loại như đồng, cây gỗ có sẵn ở trong phum sróc hay mua về chế tác thành nhạc cụ (đồng, sắt). Mỗi nhạc cụ được định âm một cách chính xác, đảm bảo yếu tố hòa âm cho cả dàn nhạc. Tuy với tên gọi là Ngũ âm (là năm loại âm thanh) nhưng trong bộ nhạc ngũ âm gồm có 6 nhạc cụ chính: một trống Samphô, hai trống lớn, một Rô Niết Thung (đàn thuyền) làm bằng những thanh gỗ có âm trầm (trép), một Rô Niết Ek (đàn thuyền) cũng được làm bằng các thanh gỗ nhưng mỗi hình dáng các thanh dài ngắn khác nhau và khung giá đỡ có hình dáng cong giống như chiếc thuyền, một Rô Niết Đek làm bằng sắt có âm bổng ( bass), một bộ cồng nhỏ ( Khồn Mồn) được làm bằng đồng có âm bổng (bass). Ngoài các nhạc cụ trên còn có sự kết hợp với các nhạc cụ khác như đàn cò, đàn hai dây và bộ gõ "chhling".
Đặc trưng của từng nhạc cụ.
Trong dàn nhạc ngũ âm gồm có: trống Samphô được người Khmer gọi là Skô Sampô  là loại trống có hai mặt được bịt bằng da bò, mặt lớn có âm trầm mặt nhỏ có âm bổng, được đặt trên một giá đỡ cao 30cm. Khi sử dụng nhạc cụ thì nhạc công dùng cả 2 tay vỗ vào mặt trống để tạo ra âm thanh.
Hai trống lớn hay Skô Thum là loại có hai mặt được bịt bằng da trâu đặt kề nhau và dùng dùi bằng cây để đánh, một cái có âm trầm, một cái có âm bổng.
Nhạc cụ Rô Niết Thúng là loại nhạc cụ có âm trầm được cấu tạo từ 16 thanh gỗ và giá đỡ có 4 chân. Khi sử dụng nhạc cụ, nhạc công dùng dùi làm bằng gỗ trên đỉnh đầu có bột nhựa hay da gõ nhẹ trên các thanh gỗ để tạo ra âm thanh.
Nhạc cụ Rô Niết Ek gồm 21 hoặc 26 thanh gỗ hay bằng gỗ hình chữ nhật dài khoảng 25cm, rộng khoảng 5cm, được ghép với nhau thành một sâu dài, hai đầu được máng vào một thùng gỗ có hình dạng như chiếc thuyền nhỏ chỉ có một chân đỡ. Khi sử dụng nhạc công dùng dùi gõ Rô Niết Thúng.
Nhạc cụ Rô Niết Đêk được làm bằng sắt gồm 21 thanh sắt ghép lại, khi sử dụng nhạc công cũng dùng dùi gõ như Rô Niết.
Cồng nhỏ hay còn gọi là Khồn Mồn bao gồm 16 quả cồng nhỏ có điểm nhô lên chính giữa và được làm bằng đồng, dàn cồng này được xâu lại và đặt trên một giá đỡ bằng mây hình bán nguyệt. Khi sử dụng nhạc công ngồi trong vòng cong đó, dùng 2 dùi có bọc da để gõ. Tùy theo độ dài, mỏng, lớn hay nhỏ của từng quả mà phát ra âm thanh khác nhau.
Ngoài những nhạc cụ chính đó còn có các nhạc cụ như còn có bộ gõ Chhling được cấu tạo gần giống với "thanh la" của người Kinh. Kèn Srolay là loại kèn được làm bằng tre, riêng ống kèn bằng gỗ quý.
Trong các loại nhạc cụ của dàn Pưn Piết có Rô Niết Ek được xem là loại nhạc cụ chủ đạo nó có vai trò dồn bè và luôn cất âm đầu tiên trong một bài tấu.
Dàn nhạc ngũ âm trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer
Plêng Pưn Piêt có thể nói là dàn nhạc đạt đến mức độ hoàn mỹ và ổn định nhất về âm thanh. Nó không chỉ thể hiện một cách đặc sắc các giai điệu cổ truyền mà còn diễn tả những tiết tấu dân gian và âm thanh có thể diễn tấu không thua gì những nhạc cụ hiện đại. Dàn nhạc Pưn Piết thường được người dân Khmer sử dụng phong phú trong các ngày lễ tết của đồng bào dân tộc mình.
Trong lễ hội
Lễ hội dân tộc Khmer rất đa dạng và phong phú. Mỗi lễ hội có những tính chất riêng mang đậm bản sắc dân tộc, như: lễ Chôl Chnam Thmây, lễ Ok Om Bok, lễ Kiết Giới Xây Ma và rất nhiều phong tục đăc sắc khác. Dàn nhạc ngũ âm là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống và trong các dịp lễ tết của người dân Khmer. Âm thanh của dàn nhạc ngũ âm xuất hiện trong các lễ hội như: Ok Om Bok, Chôl Chnam Thmây, lễ Kiết Giới Xây Ma,... Không chỉ xuất hiện ở ngôi chùa, dàn nhạc ngũ âm còn được những gia đình trong phum sróc mời về để làm tăng thêm sự long trọng và náo nhiệt trong các dịp lễ, đám. Trong nghi thức của buổi lễ khi khách mời đến tiếng nhạc ngũ âm vang lên làm cho không khí của buổi lễ tết trở nên trang trọng và tỏ lòng hiếu khách, tiếng nhạc ngũ âm như lời mời lời chào đối với khách mời. Âm thanh của nhạc ngũ âm vang lên với âm điệu êm ả với nhiều thể loại như Romvông, trữ tình. Tất cả đều toát lên ý nghĩa trang trọng của buổi lễ. Ngoài ra, loại nhạc cụ này còn được sử dụng nhiều trong các vỡ diễn Dù kê, Rô băm của đồng bào dân tộc Khmer, âm thanh của nhạc kết hợp với từng vai diễn, bên cạnh đó còn có sự đóng gớp rất tinh tế của những nhạc công khéo léo, âm thanh hài hòa khiến cho người xem luôn bị lôi cuốn vào tiên cảnh. Mỗi buỗi lễ hội nào cũng vậy nếu thiếu đi dàn nhạc ngũ âm như thiếu đi linh hồn của lễ hội. Dàn nhạc ngũ âm là một loại nhạc cụ đại diện cho sức mạnh tinh thần của người dân Khmer, nói lên bản sắc văn hóa của từng vùng miền và nhất là làm nổi bậc nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer từ xưa đến nay.
Nhạc ngũ âm luôn luôn có mặt trong mọi sinh hoạt của đồng bào dân tộc Khmer. Nó không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, hội vui tươi mà còn xuất hiện trong tang ma đầy đau thương và nuối tiếc. Trong tang ma dàn nhạc ngũ âm như một ngôn ngữ truyền đạt thông tin, báo hiệu cho bà con trong phum Sróc hay tin có người vừa qua đời. Trong đám tang nhạc ngũ âm có những tiết tấu hết sức độc đáo. Có lúc tạo cảm giác buồn u uất tiếc thương, một âm thanh buồn bã bao trùm không gian, có lúc rất chao chuốt uyển chuyển từng giai điệu nhẹ nhàng trầm bổng êm ả như lời khuyên, khiến cho tâm hồn con người nhẹ nhàng và bớt đau buồn khi người thân ra đi. Đến ngày cuối cùng gia đình đưa thi thể của người chết đi hỏa táng ,song hành với đó là dàn nhạc ngũ âm vang lên như lời đưa tiễn vong linh, đưa họ về nơi yên nghỉ cuối cùng. Khi tiễn đưa vong linh lúc này sẽ làm cho con cháu người quá cố rất đau buồn thãm thiết nhưng đồng thời âm thanh của dàn nhạc ngũ âm vang lên làm xoa diệu đi nỗi buồn. Nói chung nhạc ngũ âm luôn đồng hành cùng đám tang của người Khmer từ khi họ mất và đem đi hỏa táng.
Nhìn chung nhạc ngũ âm (Plêng Pưn Piết) luôn luôn gắn liền với văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer cũng như là dân tộc Khmer, từ khi sinh ra cho đến chết đi, từ những lễ hội quan trọng trong Phật giáo Nam tông cho đến các lễ hội gắn liền với đời sống sinh hoạt xã hội, những niềm khát khao về đời sống tinh thần của đồng bào Khmer đều có sự hiện diện của dàn nhạc ngũ âm. Âm thanh hòa tấu của những nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm đã đi sâu vào tâm thức của mỗi con người Khmer từ nhỏ đến lớn, từ trẻ con đến người già.
Plêng Pưn Piết là một loại âm nhạc đặt biệt của dân tộc khmer. Nó là một sản phẩm của sự tinh tuý, điêu luyện của các nghệ nhân cũng như các nhạc công người Khmer . Sự mài mò chế tác từ những vật liệu đơn sơ, từ những chất liệu khác nhau nhưng khi kết hợp lại với nhau thì tạo nên một âm thanh rất hay. Sự hòa hợp giữa các nhạc cụ tạo nên những điệu nhạc rất đậm tính dân tộc Khmer. Qua bài viết này tôi muốn giới thiệu và mong muốn mọi người biết thêm về Plêng Pưn Piết (nhạc ngũ âm) là một bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer.
Dưới đây là một số hình ảnh về Plêng Pưn Piết của người Khmer Nam bộ:
Cồng - Khồn Mồn





Đàn cò

 Rô Niết Đek



Rô Niết Ek

Rô Niết Thung


Cồng - Khồn Mồn


trống Samphô




Trống lớn 

Chhling


1 nhận xét:

  1. có nhạc nền lễ cưới khmer k cho mình xin đi admin ơi.. nhạc lúc làm lễ ák.. và cắt trầu cao đó.. kiếm quá trừi mà chẳng thấy đâu hjt

    Trả lờiXóa