Đây là một trong các lễ hội, tín ngưỡng của người
Khmer đồng bằng sông Cửu Long nói chung và người Khmer Trà Vinh nói riêng, lễ
cúng Neak-ta có chương trình được chia làm 2 phần gồm lễ cúng Neak-ta và Lễ Cầu
an và thời gian cũng được chia làm 2 phần.
Thứ nhất, là công tác chuẩn bị và làm lễ cúng Neak-ta,
thứ hai là thỉnh các vị sư đến tụng kinh và thuyết pháp.
Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Neak-ta là vị thần bảo hộ của cả cộng đồng phum sóc,
gần tương đồng với thần Thành Hoàng của người Việt. Neak-ta vốn là vị thần tốt bụng, công minh, chính trực. Vì
vậy, khi phum sóc có xảy ra biến cố hay sự kiện mà con người không lý giải được
như dịch bệnh, hạn hán,... thì mọi người cùng nhau sắm lễ vật làm lễ cúng, cầu khẩn Neak-ta.
Lễ cúng Neak-ta ở Trà Vinh còn gọi là lễ hội Tha-la,
là ngày lễ định kỳ hàng năm, được cả phum sóc tham dự và xem như lễ hội chung
của phum sóc mình. Mỗi phum sóc chọn một ngày lễ hội cúng Neak-ta riêng để
không trùng với lễ hội các phum sóc gần bên. Nhưng thông thường được tổ chức
vào khoảng tháng 4 tháng 5 dương lịch, tức là trong vòng một tháng đầu
mùa hạ, trước và sau lễ vào năm mới. Đây là thời điểm mà tiết trời đang chuyển
dần từ mùa khô sang mùa mưa nhà nông chuẩn bị mùa gieo cấy. Theo nghĩa đó, lễ
hội cúng Neak-ta giống như lễ hội Kỳ yên Hạ điền ở các ngôi đình người Việt.
Đến ngày đã định, vị A-cha đến từng nhà thông báo cho
bà con trong phum sóc ngày giờ tập trung để làm lễ cúng Neak-ta. Sáng sớm hôm
vào lễ, ngôi Tha-la được những người lớn tuổi dưới sự hướng dẫn của vị A-cha,
dọn dẹp sạch sẽ, trang trí thật đẹp để bà con trong phum sóc và những phum sóc
lân cận tham dự. Các Ông-Tà tượng trưng bằng các hòn đá cũng được lau chùi sạch
sẽ, các vị A-cha lấy mảnh vải đỏ vát ngang lên, biểu thị Neak-ta được phum sóc
làm lễ cúng. Cũng trong dịp này, nếu tìm được hòn đá nhặn nhụi hơn, to đẹp hơn,
người ta có thể khấn vái lên Neak-ta để đổi lấy hòn đá cũ.
Đến giờ làm lễ, thường khoảng 3-4 giờ chiều, dàn nhạc
ngũ âm nổi lên báo hiệu giờ phút thiêng liêng trọng đại đã đến, mọi người tập trung lại
bày các phẩm vật dâng cúng bao gồm một nải chuối, một trái dừa tươi, một chai
rượu, một gói muối và một con gà, vịt hoặc một cái đầu heo. Ngoài lễ vật chung
của phum sóc còn có lễ vật của từng gia đình. Thông thường, không có quy định
nào, nhưng nhìn vào lễ vật của cộng đồng ta có thể nhận ra được đẳng cấp thần
Neak-ta đang được cúng tế. Nếu vật phẩm dâng cúng là gà, vịt thì Neak-ta là thần
bảo hộ của phum sóc. Nếu vật phẩm là đầu heo hoặc con heo thì thần Neak-ta là
vị thần có trách nhiệm bảo hộ vùng đất gồm vài phum sóc.
Riêng tại Tha-la Neak ta ấp Tân Trung Giồng, xã Hiếu
Trung, huyện Tiểu Cần, trước năm 1975 được tổ chức rất quy mô với nhiều nghi
thức cổ, thu hút đông đảo người Khmer trong và ngoài tỉnh về cúng
tế, với niềm tin đây là Neak-ta của cả
vùng đất. Nghi thức tế ở đây là trâu. Vị chủ tế dẫn con trâu đi ba vòng quanh
gò Ông Tà, ở giữa gò có đóng lửa
đang cháy. Vừa đi ông vừa đọc bài văn khấn Neak-ta, cùng Tà Hóc và Dây
Chas (ông Hóc và bà Chas). Theo truyền thuyết, đây là hai người bị giết chết để
biến thành thần giữ cửa và sau này họ linh thiêng thành thần bảo hộ. Tiếp theo
vị chủ
tế dùng dao đâm vào cổ trâu cho đến khi con trâu ngã lăn ra chết. Vị A-cha
xem máu từ cổ trâu chảy ra
mà có lời tiên tri về thời tiết và kết
quả mùa vụ trong năm. Nếu máu chảy xối xả thành dòng thì mưa nhiều, thậm chí có bão tố. Nếu máu chảy liên tục thì mưa liên tục, nếu máu chảy đứt quảng và cổ trâu có tiếng phì phò thì mưa không
liên tục và có giông tố, sấm chớp,...Từ ngày giải phóng đến nay thì nghi thức
này không còn nữa.
Vào lễ cúng Neak-ta, vị A-cha đóng vai trò là chủ tế, đọc văn
tế cầu khẩn Neak-ta về chứng giám lòng thành của người dân trong phum
sóc, phò hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn suôn sẻ, mọi người khỏe mạnh,
phum sóc bình yên, sau đó, mọi người, nhất là những người trong năm qua từng
được Neak-ta hiển
linh cứu giúp, cầu gì được nấy đến dâng lễ vật cúng bái. Thông thường, vị chủ tế hướng dẫn mọi người đi ba vòng quanh ngôi Tha-la rồi vào
dâng hương. Dâng hương xong, các sư sãi cùng bà con đọc kinh cầu nguyện.
Lễ cúng Neak-ta thường kết thúc vào
khoảng 8-9 giờ tối. Ngay sau đó tổ chức biểu diễn nghệ thuật Sa-dam, Rô-bam do các đội nghiệp dư của phum sóc biểu diễn. Trước đây trong lễ cúng Neak-ta, nhiều nơi còn tổ chức bơi ghe trên cạn, vừa bơi vừa đánh còng vừa hát.
Nếu tổ chức lễ cúng Neak-ta
xong mà trời vẫn không mưa,
thì tiếp tục làm lễ xin nước mưa. Họ mời khoảng 10 vị sư ra đồng
tụng kinh, bên cạnh để một con cá lóc trong
cái thau khô, để chứng tỏ cá đang cần
nước cũng như nông dân đang cần mưa. Sự tích này có nguồn gốc từ Phật giáo. Kinh Phật nói rằng, con cá lóc là tiền thân của
Đức Phật, trong các tiền kiếp luân hồi sống trong một cái hồ lớn. Từ khi Ngài sinh
ra không bao giờ sát sinh, chỉ biết ăn
rong rêu để sống. Qua thời gian hạn hán 12
năm, nhiều loài đã chết vì khô hạn, cá
lóc bèn suy ngẫm: Ta đây, từ khi sinh ra đến giờ không làm hại ai, tại sao trời lại
sát hại muôn loài. Nghĩ vậy, cá liền kêu Ngọc Hoàng hãy cứu giúp muôn loài. Tiếng kêu ấy động đến trời, Ngọc Hoàng nhìn xuống thấy cá lóc đúng là hiện thân của Đức Phật
tương lai nên ban mưa xuống cứu rỗi thế gian. Lễ xin nước mưa hiện nay
ở Trà Vinh không còn.
Trong bài viết có tham khảo
và sử dụng tài liệu:
1. Báo cáo kết quả điều
tra di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh - Bảo tàng Tổng hợp
-12/2007.
2. Phong tục, tín ngưỡng,
lễ hội Khmer Nam bộ - Thạch Om – 2009.